Trang

Thứ Năm, 4 tháng 4, 2013

Vài nét về Chiêm Tinh Tây Phương hiện đại

Khi chấp nhận tư tưởng con người là một tiểu vũ trụ trong đại vũ trụ, người xưa đã xây dựng một mô hình cho con người theo hình ảnh của vũ trụ. Trong mô hình đó, sức sống là mặt trời, cảm thọ là mặt trăng, tư tưởng là sao Thủy, khả năng đánh giá là sao Kim, hành động cụ thể là sao Hỏa, 2 hành tinh xã hội là sao Mộc và sao Thổ cần cách hiểu trừu tượng và phức tạp hơn. Tiếp đó, 3 hành tinh đại diện cho tiềm thức của con người là Thiên Vương, Hải Vương và Diêm Vương mới được phát hiện cùng thời gian với sự ra đời của tâm lý học hiện đại, với học thuyết về hạ ý thức hay tiềm thức cá nhân của Freud và tiềm thức cộng đồng của Carl Jung. Vì tất cả các hành tinh này đều chuyển động có quy luật trên thiên bàn. Theo luật Thiên Nhân tương ứng, suy ra các chức năng của một mô hình con người cũng phải vận động và chuyển đổi có quy luật và có thể dự đoán được. Đó là cơ sở cho sự ra đời của các môn học dự đoán dựa vào Chiêm Tượng (nhìn tượng trời, đoán việc dưới đất gọi là Chiêm Tượng)

Bắt đầu từ Chiêm Tượng (mundane astrology) hay còn gọi là Chiêm Tinh Hoàn Cầu, chuyên để đoán vận mệnh cho các nhóm, bộ lạc, quần thể, tổ chức, thậm chí, quốc gia, dựa trên dữ kiện năm tháng ngày giờ thành lập và vị trí thủ phủ. Người xưa bắt đầu  lấy cả lá số, theo năm tháng ngày giờ và nơi sinh cho những người trong giai tầng lãnh đạo để kiểm tra đối ứng tính tương hỗ giữa vận mệnh các yếu nhân (người phương Tây gọi là những cá nhân larger than life) và vận mệnh tập thể. Đó là điểm khởi đầu cho nghệ thuật nghiên cứu lá số cá nhân, hiện nay đã trở nên khá phổ biến ở phương Tây. Ngay cả ở phương Đông xưa, lá số Tử Vi vốn chỉ để xem cho quý tộc, vua chúa và tầng lớp sĩ phu, việc áp dụng nó trên các đối tượng bình dân như ngày nay được bắt đầu chưa lâu, đó là lý do vô thiên lủng sách Tử Vi còn lưu truyền đến hiên tại luôn bình xét cách cục như bình luận về một mô hình triều đình, với đủ thứ hình tượng từ đế ngộ hung đồ cho đến phủ tướng triều viên... Nếu đế ngộ hung đồ trên lá số một bác nông dân thì thật không biết các thầy phải bình thế nào nữa.

Ngày nay, hình thức Chiêm tinh nói trên đã phát triển thêm để trở thành các hình thức dự báo về sự lên xuống của thị trường chứng khoán, tiền và bất động sản, các xu thế chính trị, biến động kinh tế và tài chính, giáo dục, y tế...

Khi các lá số bắt đầu được áp dụng trên bình diện cá nhân, cùng song hành với sự phát triển từng bước của tâm lý học Tây Phương hiện đại, Chiêm Tinh Tây Phương đã có nhiều phát triển đột phá và không còn đơn thuần là một môn dự đoán may rủi. Từ các đóng góp của các Chiêm Tinh Gia trong hội Thông Thiên Học, 2 trường phái lớn là Chiêm Tinh thần học (esoteric astrology) và Chiêm Tinh thuyết linh hồn tiến hóa (Evolution astrology) ra đời. Phát triển song song bên cạnh khuynh hướng mà nhiều người quan tâm từ trước là Chiêm Tinh tiên đoán, hướng tới dự đoán may rủi.

Chiêm Tinh thần học lấy lá số theo hệ Nhật tâm (mặt trời ở trung tâm lá số) và an các hành tinh khác, trong đó có trái đất trên thiên bàn, mục tiêu là mô tả cấu trúc năng lượng sinh học của con người và các vận động của chúng. Hướng tiếp cận này thường được đưa sang áp dụng trong dự đoán bệnh tật, nhất là bệnh do nghiệp.

Chiêm Tinh thuyết linh hồn tiến hóa lấy lá số theo hệ Địa tâm, dùng trái đất làm trung tâm lá số, an các hành tinh và mặt trời, mặt trăng trên Thiên Bàn. Đặt cơ sở trên học thuyết của Thông Thiên Học là các linh hồn tự lựa chọn số mệnh cho mình dựa theo nghiệp quả quá khứ. Và một lá số ghi lại hình ảnh bầu trời vào khoảnh khắc một người cất tiếng khóc chào đời là bản sơ đồ thiết kế toàn bộ các đặc tính cá nhân, cũng như quyết định số bài học mà linh hồn sẽ học trong một cuộc đời trần thế. Thông Thiên Học tách khái niệm linh hồn này khỏi hình ảnh phàm ngã mà ta hay tự đồng nhất với tâm hồn mình. Họ cho rằng có những linh hồn già dặn hơn và những linh hồn non trẻ hơn. Thông qua trải nghiệm sống trong thế giới vật chất hữu hoại, linh hồn tiếp thu các bài học cần thiết để trưởng thành dần dần. Các bài học đó được gọi là nghiệp, hay vận hạn, sẽ đến có hẹn trước vào các mốc thời gian xác định có thể tính toán ra được theo quỹ đạo tinh đẩu trên bầu trời.

Người có linh hồn già dặn hơn có thể hiểu người có linh hồn non trẻ hơn, nhưng người có linh hồn non trẻ hơn không thể làm điều ngược lại. Một câu chuyện tương truyền về cuộc gặp gỡ giữa Khổng Tử và Lão Tử có thể minh họa cho quan điểm này. Khi Khổng Tử đi gặp Lão Tử quay về, học trò hỏi ông nhận xét về Lão Tử, Khổng Tử đáp: "Loài chim, ta biết nó bay được; loài cá ta biết nó bơi được; loài thú ta biết nó chạy được. Chạy thì ta dùng lưới để bẫy, bơi thì dùng câu để bắt, bay thì dùng tên để bắn. Còn loài rồng cưỡi gió cưỡi mây mà bay lên trời thì ta không sao biết được. Nay ta gặp ông Lão Tử; ông là con rồng chăng ?"

Trên cơ sở lý luận đó, Chiêm Tinh thuyết linh hồn tiến hóa phản đối các mẹo chước để tránh vận hạn, và cho rằng không có chuyện một người gặp phải loại vận hạn khó khăn tới độ họ không thể ứng phó nổi hay không thể chịu đựng nổi (Nhưng tự họ trầm trọng hóa những rắc rối khó khăn cho bản thân và người khác thì có khả năng) Một trong các Universal Symbol mà các Chiêm Tinh gia theo thuyết linh hồn tiến hóa ưa thích là tiến trình lột xác của con bướm. Khi con bướm chui ra khỏi khe nứt của cái kén chật hẹp, nó hết sức chật vật, khó khăn, khổ sở. Giả sử lúc đó có con người "tốt bụng" nào đó lại thương tình dùng kéo cắt rộng cái kén để nó dễ chui ra thì đời nó thế là tàn. Cái miệng nó đã biến hóa thành ống hút để hút mật hoa, không còn ăn lá cây như sâu được nữa, khi thiếu quá trình giãy dụa để thoát xác, các chất dịch trong cơ thể sẽ không được bơm vào gân cánh để làm bộ cánh thẳng ra. Nó biến thành một sinh vật dị dạng, với những chiếc cánh nhăn nhúm, thân thể mọng nước, không biết bay và do đó không thể sống cuộc đời của loài bướm, nhưng cũng không thể quay lại sống cuộc đời của loài sâu. Tất nhiên, nếu không có con người tốt bụng và cái kéo đó, nhưng con bướm lại thấy việc chui ra khỏi kén thấy oải quá thì nó cứ việc nằm lại trong kén, và kết quả cũng không khác mấy. 

Có người bạn hỏi tôi điều đó có nghĩa thế nào, tôi đã trả lời bằng một ví dụ là khuynh hướng muốn mượn rượu tìm quên chỉ đến theo vận hạn, nhưng chứng nghiện rượu thì cứ ở lại mãi nếu đã dính mắc vào nó. Người ta có lý do để uống đến độ thành nát rượu, nhưng toàn bộ cuộc đời bị hủy hoại đằng sau sự nát rượu đó lại chính là lý do để họ phải biết mà cố đừng uống ngay từ đầu. Tất nhiên, rượu chè, cờ bạc hay ma túy chỉ là một trong nhiều cách một người yếu đuối chọn để xử lý tình huống bất như ý. Một vận hạn có tính chất bước ngoặt cuộc đời, tuy nặng nề, thách thức thật đấy, thực tế thường không bao giờ dài quá 2 năm, nhưng sau 2 năm ấy, nếu mọi sự vẫn nặng nề, ám ảnh, rối loạn, hỗn độn và tương lai vẫn mù mịt thì có nghĩa là có người đã xử lý sai tình huống. Đó là lý do họ cần những lời khuyên thích đáng về cách ứng xử thích hợp trong thời điểm cụ thể. Quan điểm này khá tương đồng với tư tưởng của Kinh Dịch, vị quân tử vi mưu, bất vị tiểu nhân vi mưu. Những lời khuyên trong quẻ Dịch dành cho mỗi thời, mỗi vị đều là để bảo vệ cái tâm và cái tính của Chân Nhân, không phải để mưu cầu danh lợi thế gian.

Khác với Phương Đông, các chiêm tinh gia Phương Tây không đặt nặng chuyện thiên cơ khả lậu hay bất khả lậu. Dựa trên các nghiên cứu về vận động của tiềm thức của các nhà tâm lý học hiện đại cùng các biểu hiện bệnh lý tinh thần của chúng, nhiều nhà nghiên cứu bắt đầu gọi sự chi phối của tiềm thức lên ý thức là nghiệp và nghiệp báo (karma) Thứ mà người Phương Đông tin rằng đã, đang và sẽ còn chi phối loài người. Trong cuộc giao duyên với Tâm Lý Học hiện đại. Chiêm Tinh tâm lý học ra đời, với hệ thống lý luận mô tả các đặc tính và phẩm chất cá nhân cùng các chu kì mà các phẩm chất này chịu thử thách đặc biệt để được nhuận sắc và biểu hiện ra theo những chiều hướng tích cực hơn. Và trách nhiệm của một nhà Chiêm Tinh, kiêm tư vấn tâm lý là giúp đỡ khuyên giải khách hàng của mình về phương hướng hành động để họ đối đầu với các bài học của mình bằng thái độ tích cực và nhận được thành quả tinh thần lớn nhất, sự trưởng thành tâm lý lớn nhất.

Dạng tư tưởng này còn khá xa lạ với người Việt Nam. Tuy nhiên, tôi cũng đã nghe nhiều cư sĩ theo đạo Phật đã thực hành nhiều năm thiền quán nhận xét về những người đã qua tuổi 50 mà không có đạo là những người chỉ biết sống với đống nghiệp cũ. Đó không phải một nhận xét hời hợt, nhưng không dễ hiểu đối với đám đông. Rất nhiều người khi nghe về thuyết linh hồn tự chọn số phận đã nhảy xếch lên. Khả năng rất cao là họ đang trong năm xung tháng hạn, nhưng hành vi ấy cũng chứng tỏ một điều nữa là người đó thấy mình chả bà con dây mơ rễ má gì với cái linh hồn chập mạch ấy cả. Nói vui theo ngôn ngữ của Chiêm Tinh là linh hồn họ còn quá non nớt và thiếu kinh nghiệm về cõi trần nên không tài nào tìm được tiếng nói chung với phàm ngã, cái thứ được triết học Mác xít định nghĩa là tạo thành từ tổng hòa các mối quan hệ xã hội, và sẽ tiêu biến cùng cái chết của cơ thể vật lý. Tiên sinh Ohsawa, người thầy vĩ đại của Thực Dưỡng thế giới từng hỏi các môn đồ tại một trại hè tại nước Pháp: "Tại sao trẻ em đều đáng yêu, hồn nhiên, xinh xắn như vậy, nhưng khi trưởng thành và già nua lại trở nên những người lớn xấu xí, khó ưa như vậy?" Không môn đồ nào trả lời được, và câu hỏi đó vẫn bỏ ngỏ cho tất cả môn đồ Thực Dưỡng khắp thế giới tự mình suy ngẫm và chiêm nghiệm.

Trên thực tế, chuyện phàm ngã, chân ngã hay vô ngã đều là vấn đề không thể nghĩ bàn, chỉ có thể kinh nghiệm. Thứ mà tôi nêu ra ở đây là quan điểm của Thông Thiên Học, vốn là nền tảng triết lý của Chiêm Tinh hiện đại, nó là tiên đề phải chấp nhận mà không chứng minh nếu muốn tìm hiểu sâu xa hơn về Chiêm Tinh. Còn cá nhân tôi cho rằng những người tin ở kinh Vô Ngã Tướng vốn cũng không cần Chiêm Tinh. Họ tự biết phải làm gì khi gặp năm xung tháng hạn.

Nhiều bạn trẻ Việt Nam hiện nay đã và đang bắt đầu hứng thú tìm hiểu về Chiêm Tinh, cụ thể là Chiêm Tinh Tâm Lý Học. Mọi người coi nó như một công cụ để hiểu mình và hiểu người sâu sắc hơn. Hỗ trợ bản thân trong cải thiện quan hệ, tìm kiếm và phát triển năng khiếu, đặc tính cá nhân, giúp định hướng nghề nghiệp và công việc. Đi xa hơn nữa, có thể áp dụng nó trong nuôi dạy con nhỏ, trở thành các bậc làm cha làm mẹ tâm lý. Hoặc áp dụng nó trong tìm hiểu và quản lý nhân sự. Rất ít người thực sự đặt ra câu hỏi về số phận, về nguyên nhân của những sự kiện đau khổ ngoài mong muốn, về cái cách mà nghiệp quả cá nhân đưa đẩy dẫn dắt họ trên đường đời.

Cho tới cái ngày progressed Sun trên lá số họ xung, vuông góc hoặc đồng độ với 1 trong 3 tọa độ của Pluto, Neptune hay Uranus.

Nhưng đó lại là một câu chuyện rất dài khác về Chiêm Tinh.

2 nhận xét:

  1. Cảm ơn chị, nhờ bài viết và những chia sẻ của chị mà em dần hiểu ra cái mà người học Chiêm tinh học và Tâm Lý học trị liệu thực sự học được và cần được học đầu tiên là học cách đối diện với những bài học cuộc sống của chính mình bằng tinh thần tích cực và thành quả TO LỚN NHẤT chính là sự trưởng thành của tâm thức và ý chí <3 yêu chị <3

    Trả lờiXóa