Trang

Thứ Ba, 3 tháng 1, 2017

Tản mạn: kế đô và mật hạnh

Nghe bên Thông thiên học nói chân sư thì phải là 1 linh hồn siêu già, cho nên suy ra suy vào thì muốn nhận chuẩn chân sư thì tối thiểu phải nhận chuẩn được 1 linh hồn già. Nếu so lý thuyết về tuổi của linh hồn của Thông thiên học với thuyết luân hồi của Phật giáo thì, theo Phật giáo Nguyên Thủy, chỉ có tâm thức nào đã bắt đầu tiến trình phát triển bồi đắp 10, 20 hoặc 30 parami hay mật hạnh ba la mật để có được trí tuệ bát nhã mới có thể tính là có tiến bộ theo thời gian theo chiều hướng trở thành bậc giác ngộ, hẳn là vào 1 mùa quýt chín nào đó. Chúng sinh chưa có nguyện vọng và định hướng phát triển các mật hạnh, chưa gieo huệ căn và tài bồi nó chỉ có thể chìm nổi trong vòng sinh tử tử sinh tùy theo phúc báo, nghiệp báo là quả khi đủ duyên của nhân đã gieo. Phật dạy, một người không có đủ 3 nhân vô tham, vô sân, vô si thì không đủ duyên để phát triển huệ căn. Nói chung, nếu tin rằng độ già của 1 linh hồn thể hiện mức độ tiến hóa của linh hồn đó đồng thời chấp nhận thuyết tiến bộ theo bồi đắp mật hạnh của Phật giáo thì cần thừa nhận rằng không phải cứ "sống lâu" thì sẽ lên lão làng. Và tuổi của 1 linh hồn muốn gắn với tiến hóa, nên tính bắt đầu từ lúc tâm thức của họ hội đủ 3 nhân cùng nguyện vọng phát triển nó. Nếu không được thế, thì kinh nghiệm của điểm kế đô không thể gắn với sự khôn ngoan mà thường biểu đạt 1 trạng thái lẩm cẩm tích tụ nhiều đời đôi khi được gọi theo ngôn ngữ hiện đại là bệnh thần kinh hay chứng vọng tưởng.

10 mật hạnh bậc hạ, cũng là phần dễ nhất không thể đạt thành nếu cá nhân không thể buông bỏ lợi ích thế gian vốn thuộc về mình hay có cơ hội thuộc về mình khi phải lựa chọn giữa thành toàn mật hạnh hay theo đuổi lợi ích. Lợi ích thế gian về căn bản cũng là những đối tượng, sự vật có khả năng bảo hộ cho đời sống trần tục của sinh mệnh, và từ bỏ sự bảo hộ này với bất cứ ai đều có thể tính là chuyện nguy hiểm, thiếu khôn ngoan, thậm chí điên rồ.

Cho nên bên trong sự thanh cao chân chính luôn tiềm ẩn 1 loại trí tuệ mà người thường không cách nào hiểu được. Cũng rất khó để tìm thấy nó trong những nơi nhà cao cửa rộng. Tất nhiên cũng hay bị người trần mắt thịt chúng ta nhìn lầm thành sự dở hơi.

Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm bảo, ta dại ta tìm nơi vắng vẻ, người khôn người đến chốn lao xao.

Tất nhiên, có quyền chọn lựa, tỉnh táo biết mình đang làm gì thì mới tính. Còn sinh ra vốn bị vứt trong rừng như Tarzan thì cả đời cùng đu dây với khỉ cũng khỏi tính.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét