Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2015

Vertex, duyên và nợ P2_1

Vertex, Duyên và Nợ, P1

Bây giờ chúng ta đi vào xem xét thử vị trí của vertex ở các cung địa bàn. Như đã mô tả trong phần đi tìm Vertex. Trên lá số, Vertex chỉ đóng vào các vị trí từ cung 4 đến cung 9. Trong 1 ngày, theo thời gian tăng dần, quỹ tích của nó là đi theo chiều kim đồng hồ từ MC qua DC xuống IC, sau đó nhảy lại lên MC. Đó là do quy ước nó chỉ có mặt trên bán cầu Tây, cho nên khi trục Vertex, anti-Vertex đi qua trục IC-MC thì 2 giao điểm với đường Hoàng Đạo bị đổi tên lại cho nhau. Có thể hiểu là vấn đề Duyên hay Nợ của Vertex bao quát cả 1 trục, không thể thiếu 1 trong 2 điểm. Điểm ở bán cầu Tây đại diện cho phần tác nhân ngoại cảnh, phần ảnh hưởng của cộng nghiệp lên vấn đề, là tha lực. Điểm ở bán cầu Đông, đại diện cho nguyện vọng tự phát của cá nhân, thể hiện sức ảnh hưởng của cá nhân lên vấn đề, là tự lực. Nói chung, việc cá nhân có bị buộc phải trả nợ hay không là chuyện của ngoại cảnh thôi thúc. Cá nhân tự mình có muốn trả nợ hay không là do nguyện vọng tự phát. Cá nhân muốn làm chủ quan hệ duyên nợ của mình, cần tham khảo các từ khoá nâng cao cho cung vị anti-Vertex, nếu không thực hiện được, mối quan hệ duyên nợ này trở thành ràng buộc mà cá nhân phải bị động tiếp nhận (còn bản thân nó tốt hay xấu, chúng ta chưa xét đến)

Tôi nhắc lại, cung vị Vertex chỉ nói về đặc điểm thường gặp của chủ nợ, nhưng hình thức chung đụng giữa chủ lá số và chủ nợ thì đa dạng và phức tạp vô cùng. Bạn cần cẩn thận cân nhắc trước khi phán bừa kẻo bị đánh lại đổ tại tôi đấy nhé. Cuối cùng, ghi nhớ nếu Vertex là cảm giác bị mắc nợ, cảm giác đối mặt với chủ nợ, bị buộc phải nhận nợ, gánh nợ, tóm lại, bị ràng buộc thì cung vị của anti-Vertex chính là điều kiện phải đáp ứng để có được cảm giác nhẹ nợ, rảnh nợ, là nơi chốn cá nhân chủ động tìm kiếm phương án thanh toán nợ, khám phá ra giải pháp để chủ động thoát khỏi nợ nần. Hay cũng có thể hiểu, là chủ động làm người nắm hay buông trong mối quan hệ duyên nợ ràng buộc bởi trục Vertex.

Tất nhiên, không có nợ thì cũng chẳng có duyên. Như Phần 1 đã nói, điều đáng quan tâm là ta có thiện duyên hay nghiệt duyên thôi. Duyên phận sâu đậm của ta, luôn gắn bó với khu vực có mặt Vertex, còn những vùng chẳng liên quan Vertex, chỉ có thể coi như những bóng mây lướt nhẹ qua đời. Về khía cạnh này, 1 đôi mắt có thể phân biệt được thiện ác, hay dở, tốt xấu là vô cùng quan trọng trong việc chọn lựa xem ta nên gieo duyên với ai, tìm đường, tìm cách để đoạn duyên với ai. Để có được khả năng như vậy, một Chiron phát triển là 1 phần không thể thiếu trong tố chất cá nhân.

Vertex ở cung 4:

Những món nợ nhẹ nhàng ở cung 4 có thể tạo ra câu hỏi "Có cần phải thế không?" mỗi khi cá nhân nghe tới vấn đề phải biết tri ân báo đáp. Chủ nợ của họ thường là cha mẹ, con cái, người hoặc phải yêu thương họ, hoặc phải hiếu thuận họ, săn sóc cho họ như 1 sự đương nhiên, và trong rất nhiều trường hợp, thực sự đã làm tất cả những điều tốt nhất có thể cho họ như thể 1 điều đương nhiên. Thông thường, chủ nợ của họ chính là cha mẹ, những người có ân dưỡng dục với họ mà không mong được báo đáp gì nhiều. Nói phũ mồm 1 tẹo thì, đó là chỗ khác nhau giữa nuôi con và nuôi lợn.

Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể
Con nuôi cha mẹ con kể từng ngày

Ân sinh thành dưỡng dục là món nợ khó trả lại nhất, vì lúc con cái cảm thấy mình đã có đủ điều kiện để báo hiếu thì cha mẹ thường đã quá già, không đủ sức khoẻ để hưởng thụ tiện nghi vật chất, hoặc đã khuất bóng. Còn lúc cha mẹ trẻ trung khoẻ mạnh thì những việc con nhỏ có thể làm cho cha mẹ lại là quá ít, không đáng kể. Thông thường, việc cá nhân làm được không phải là báo hiếu, mà là cố gắng trưởng thành, trở thành 1 người có thành tựu và chỗ đứng nhất định trong xã hội, có thể tự lo cho mình, qua đó, không còn phải dựa dẫm, nhờ vả, mắc nợ thêm cha mẹ mình nữa, tóm lại, không bắt họ phải lo lắng vì mình nữa. Và chỉ riêng nỗ lực không tăng thêm nợ mới này thôi, đã không phải là không gian nan đối với nhiều người. Sau đó, trách nhiệm của cá nhân đó là chăm sóc nuôi dưỡng con cái của mình thành người. Dạng quan hệ 1 chiều mà các cụ ta gọi là nước mắt chảy xuôi này khi được củng cố thường xuyên như 1 truyền thống, chính là nền tảng cho cái gọi là duyên phận của 1 cá nhân với 1 gia tộc, dòng họ, với biểu hiện trần tục là dòng máu, huyết thống.

Đó là miêu tả thường thấy trong 1 lá số cân bằng về Nghiệp, mối quan hệ Duyên Nợ là tận thiện, tận mỹ, và bản thân chủ lá số sinh ra không bị nặng nợ. Yêu cầu họ thường nhận được từ cha mẹ đáng yêu, đáng kính của họ, người đã sinh họ ra, nuôi dạy họ khôn lớn, lo cho họ đủ điều thường là: phải trưởng thành, có sự nghiệp, thành đạt, không để cha mẹ phải lo lắng, lo được cho con cái mình. Cư xử hiếu thuận, tình cảm. Chỉ vậy thôi. Nói chung, không phải ngẫu nhiên mà duyên phận thuộc cung 4 được xếp vào diện khó đứt nhất, còn duyên phận thuộc cung 7 trở lên thì sểnh ra là mất rồi. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, duyên phận trên trục 4-10 là loại quan hệ mà cá nhân khó nắm giữ quyền chủ động bắt hay thả nhất, và cũng là loại quan hệ mà quá nhẹ nợ chưa chắc đã là dấu hiệu tốt, vì theo logic, không có duyên với cha mẹ thì đương nhiên là dễ mồ côi rồi. Đảo ngược lại, chưa cần biết duyên cũ thế nào, chỉ riêng việc mang nặng đẻ đau, sinh ra, săn sóc nuôi dạy ta khôn lớn đã là vô hạn công lao rồi, cho nên Vertex cung 4 nào bất hiếu với cha mẹ, chắc chắn cuộc đời sẽ long đong lận đận hay ít nhất là kém may mắn dù họ chẳng hiểu tại sao.

Nhưng trên một lá số mà cán cân Nghiệp Quả bị đánh nghiêng. Vertex cung 4 có thể mang 1 thứ sắc thái quỷ dị hoàn toàn khác. Có 1 câu chuyện tiếu lâm Việt Nam kể rằng.

Có 1 người chả may chết sớm, khi còn sống trót nợ một người khác rất nhiều tiền mà chưa kịp trả. Diêm Vương xem sổ Sinh Tử, bèn phán rằng: Cho mày kiếp sau làm trâu, đến kéo cày cho nhà nó mà trả nợ. Người đó bẩm lại: Bẩm, con nghĩ nợ nhiều thế, có để con đến nhà nó làm trâu 10 đời, 20 đời cũng trả không xong. Diêm Vương ngẫm lại thấy có lý, phán rằng: "Nói cũng đúng. Xem nhà mày có ý thức trả nợ thành khẩn. Tự mày xem sinh ra làm cái gì trả nợ cho nó nhanh hết nhất thì cho mày làm cái ấy!" Người đó nghĩ nghĩ rồi thưa lại rằng: "Bẩm, con thấy rằng, phàm trên đời này, làm bố thì phải gắng nuôi con khôn lớn, dạy nó nên người, nếu nó đi đâu gây hoạ, phải lo cứu nó, nếu nó làm gì sai, người ta đều réo tên thằng bố nó ra chửi. Tóm lại làm bố thì phải cúc cung tận tuỵ, vì nó xuôi ngược cả đời. Con nghĩ con phải làm bố nó thì mới nhanh trả hết nợ cho nó được!"

Có lẽ, mẫu người có Vertex cung 4, vốn đã không thể nào coi tình thương và sự săn sóc quan tâm cha mẹ dành cho con cái nói riêng, và sự quan ái giữa người với người nói chung là đương nhiên, cho nên họ dễ sinh ra tâm trạng cảm kích, xúc động, lưu luyến với bất cứ ai thực lòng quan tâm đến họ, hoặc sinh lòng ao ước khi gặp được 1 người có cách quan tâm đến người khác đúng theo tiêu chuẩn họ muốn, thậm chí mong muốn và nghĩ cách để có được 1 đoạn duyên phận với người như thế. Tất nhiên, bí quyết gieo duyên đúng là, tìm hiểu Vertex trên lá số người ta. Còn cách thức mà con người thường tiến hành là, suy bụng ta ra bụng người. Đó là thái độ của con người thường phát sinh khi họ hướng về Thiện Duyên. Nhưng không may thay, có thể do đời trước ánh mắt họ không tốt, nhìn người không chuẩn. Có thể vì cố nhân tâm thì thay đổi, còn nợ cũ thì vẫn còn y nguyên. Đã thế, lại còn là cái loại nợ khó trả muốn chết, kết quả đúng vào lúc họ đạt tới trạng thái ta tạm gọi là nợ nần chồng chất, lãi mẹ đẻ lãi con thì 1 vị chủ nợ rất sa đoạ nào đó đến tìm họ đòi thanh toán nợ nần.

Vậy là, nghe đồn có một số người đến nhiệm vụ báo hiếu còn chưa hoàn thành xong, Game Luân Hồi lại gửi tới cho họ thêm 1 đại Boss mới có hỗn danh là "con đòi nợ", khiến cho họ cả nửa đời sau chỉ có thể vừa lao lực, vừa lầm bầm "con dại cái mang" hoặc, thôi thì "nước mắt chảy xuôi". Một số người còn thê thảm hơn nữa, có bố có mẹ mà không khác trẻ mồ côi là mấy, thời thơ ấu họ sống trong nhà như đứa sai vặt, dùng sức lao động đổi lấy miếng cơm. Lớn hơn chút đi làm, kiếm được bao nhiêu đều phải hiếu kính cha mẹ. Cha mẹ gặp hoạ, họ là người phải chạy vạy lo toan. Cha mẹ an lành, chỗ tốt đều là anh chị em nhà họ hưởng. Người ít chủ nợ thì có con như không có, tuổi già neo đơn. Người lắm chủ nợ thì ngoài cha mẹ, có thể còn có thêm 1 danh sách dài cả thước những người cần họ cưu mang. Mà công trình cưu mang này có thể tóm gọn trong câu:

Công anh xúc tép nuôi cò
Cò ăn, cò lớn, cò dò lên cây

Tóm lại, đều là dạng nợ nhỏ, duyên mỏng, dây dưa một thời gian ngắn là bay mất tích. Con cái họ cũng thường là con đòi nợ, lúc còn cần nhờ vả, nương tựa họ thì còn gắn bó, gần gũi. Đến khi nợ nần quyết toán xong chẳng hiểu sao luôn có đủ thứ nguyên nhân khiến họ chỉ có thể trở thành 1 "hòn vọng con". Ví dụ, con gái nuôi mãi mới lớn, ấy vậy mà nó lại đi lấy chồng xa. Con trai nuôi hoài mới nên người, ai dè lớn lên nó lại chỉ nghe vợ, lại còn đòi ra riêng.

Tất nhiên, bất kì mẫu nào trong 6 mẫu Vertex tôi đã đề cập trong bài trước đều có thể đem gắn vào bức tranh Duyên Nợ ở cung 4 này, tạo ra càng nhiều câu chuyện sinh động có thể kiểm chứng trong đời thật. Cha mẹ có thể rất tốt, con cái có thể rất hiếu thuận. Cha mẹ có thể rất tệ, con cái có thể rất bất hiếu. Tre đắng sinh mặng ngọt, tre ngọt sinh măng đắng. Nói chung cái gì cũng có thể có. Món nợ ở cung 4 là rất khó trả. Hoặc vì chủ nợ không để cho con nợ của mình có cơ hội trả, hoặc là vì chủ nợ quá kinh khủng, quá ám quẻ, quá ngược đời, đem tới những nan đề quá khó tiêu hoá, khiến con nợ cứ nghĩ đến quá trình trả nợ là sợ bạt vía kinh hồn. Lúc này, muốn trả nợ thì xác định phải dốc vào đó 1 thứ nỗ lực và quyết tâm đủ để cho một người bình thường có thể làm nên cả 1 sự nghiệp. Cho nên, trong trường hợp nặng nợ nhất, cuối cùng cách duy nhất cá nhân có thể chọn lựa để trả cho nhanh hết là hy sinh khả năng có được 1 sự nghiệp cho riêng mình, vì không còn hơi sức đâu nữa, và dốc toàn bộ nỗ lực ấy vào công cuộc chăm lo cho chủ nợ với sự bao dung và tình thương. Thời gian là bao lâu thì tuỳ thuộc độ lớn của món nợ. Chủ nợ của mẫu hết nợ hết duyên có Vertex cung 4 thường không thể hiểu nổi, tại sao tình thương và sự bao dung nhẫn nại đã từng dành cho mình vô điều kiện, vô bờ bến lại có thể nói hết là hết ngay được như vậy. Ngay cả 1 chút điềm báo trước cũng không có. Ngược lại, muốn gieo duyên thành công với 1 Vertex cung 4, bạn nhất định phải bao phủ lên hành vi giúp đỡ họ bằng sự thông cảm, quan ái và tình thương, đủ để họ có thể cảm nhận được.

Tất nhiên, những mô tả trên là quan sát thấy được, nhưng nó chưa phải bản chất vấn đề. Trong hiện thực, đủ loại sự kiện đa dạng đều có khả năng gây ra ngộ nhận. Và con người thường phức tạp hóa vấn đề mình gặp phải lên do cách tiếp cận vấn đề sai lầm, sau đó thì tự chuốc lấy những tình huống càng gỡ thì càng rối. Bởi vì, ta không thể giải quyết một vấn đề đã phát sinh, với tầm nhìn chỉ cao đúng bằng tầm nhìn của thời điểm ta gây ra nó. Cũng như bạn không thể giặt sạch 1 cái áo, chính bằng thứ nước đã làm nó dơ bẩn.

Trước hết, vấn đề rất quan trọng nhưng thường xuyên bị hiểu lầm ở đây là, chủ nợ chỉ cần ở con nợ sự săn sóc, quan tâm, tình thương và sự bao dung thôi, còn những thứ râu ria khác chỉ là phương tiện hỗ trợ biểu đạt, tạo ra minh chứng cho tình cảm mà chủ nợ có thể nhìn thấy hay cảm nhận được. (Nói xem, nếu người bạn thương yêu gây ra tai hoạ và bạn không lo cứu họ, chỉ lo bo bo giữ mình thì còn yêu với thương quái gì?) Và lý do con nợ phải lao lực đến như vậy, thông thường là vì ngay ở lúc bắt đầu, họ đã không có đủ tình thương và sự quan tâm dành cho chủ nợ của mình, nhất là vào lúc chủ nợ của họ còn có thể tiếp nhận nó 1 cách dễ dàng, với tâm thái cởi mở. Cái gọi là thời điểm đúng này, có lúc là 10, 20 năm trước, có lúc là... kiếp trước. Hoặc, họ không thương yêu chủ nợ của mình theo cách chủ nợ cần hay muốn, mà luôn làm theo cách họ tự cho là đúng. Trên đời này, hẳn là chỉ có chư Bồ Tát mới có đủ Từ Bi để thương yêu toàn bộ chúng sinh vô điều kiện. Còn cha mẹ thì... thật xin lỗi, nếu cha mẹ nào cũng có thể thực hành được hạnh Bồ Tát với riêng con mình thôi, thì trên đời này đã không có truyền thuyết về "con nhà người ta" rồi. Khi gặp vị chủ nợ dưới dạng 1 đứa con hư hay 1 người làm cha, làm mẹ không có lòng từ ái lại còn hay cố tình gây sự. Người làm cha mẹ hay đứa con có Vertex cung 4 dường như chỉ có thể bỏ ra 1 thái độ là sự kết hợp giữa trách nhiệm, nỗ lực, sự thương hại và rất nhiều bất đắc dĩ.

Bạn có thể thắc mắc, nếu nói con đòi nợ lớn lên hư hỏng là do lúc còn nhỏ thiếu khuyết sự quan tâm, uốn nắn thì cũng được đi, nhưng ví dụ chủ nợ là cha mẹ, thì đứa trẻ ngây thơ không biết gì làm thế nào với họ được? Trên đời này, đúng là có những con nợ Vertex cung 4 không có khả năng thanh toán, vì chính bản thân họ 1 cách bản năng còn chưa hiểu tình thương là gì, hay nên diễn đạt tình thương của mình ra bằng cách nào để đối phương cảm nhận được. Nhưng nếu bản năng của họ hiểu được bí quyết trong những điều đó, thì kể cả khi còn đang quấn tã, họ đã có thể dạy cho người khác bài học về tình thương. Nếu đứa con còn nằm nôi của bạn đang khóc đến xé ruột, nhưng chỉ cần nghe tiếng bạn hay được bạn bế lên tay là không hiểu sao, bàn tay bé nhỏ, non nớt ấy lại có đủ sức níu chặt lấy bạn và nín khóc ngay, thậm chí toét miệng cười với bạn, bạn có cảm động không? Nếu bạn đang giận dữ, nhưng đứa bé 2 tuổi còn chưa nói năng thành thạo nhà bạn lại ôm chặt lấy bạn, đưa ánh mắt bất an nhìn bạn, dùng bàn tay bé bỏng vỗ về hay xoa xoa bạn như muốn trấn an, dỗ dành, bạn còn ... giận tiếp được không? Nếu bạn bước vào nhà mệt mỏi, chán nản và đứa nhóc 5 tuổi nhà bạn lễ mễ đem đến cho bạn 1 cốc nước, sau đó nhìn bạn trông chờ 1 lời khen, có phải bạn sẽ cảm thấy trái tim lập tức được lấp đầy không? Tình yêu của trẻ thơ là thứ sạch sẽ, thuần khiết và dễ tiếp nhận nhất thế giới, trong trường hợp chúng biết, hay đã học được cách biểu đạt nó. Và rất nhiều bi kịch sẽ không phát sinh, nếu đứa trẻ có Vertex cung 4 thiếu kinh nghiệm (có thể vì cung 4 của cháu nó là đất La Hầu) có được sự hướng dẫn đầy đủ để định hướng trong cách thức biểu đạt tình cảm và nhu cầu được yêu thương của mình.

Tất nhiên, điều kiện lý tưởng như trên thường chỉ là truyền thuyết. Cho nên rất nhiều Vertex cung 4 nặng nợ sẽ phải đối mặt với 1 hiện thực hết sức trái ngang. Thách thức lớn nhất dành cho người có Vertex ở cung 4, cũng là con đường phát triển tâm thức thích hợp dành cho họ là làm thế nào để có thể đem những thứ mà họ phải thiên tân vạn khổ mới có thể làm ra được trao cho 1 ai đó thực sự cần nó với lời chúc phúc và tâm trạng từ ái, mà không mong đợi được hồi đáp bất cứ thứ gì, chỉ mong đối phương cảm nhận được tấm lòng mình thôi. Thách thức nhỏ hơn, thường rơi vào những trường hợp cần cưu mang hay con đòi nợ chính là làm thế nào để bạn vừa có thể bao dung và quan tâm, đồng thời duy trì được 1 thái độ nghiêm khắc, cứng rắn trong việc uốn nắn dìu dắt chủ nợ của mình thành người.

Bạn lắc đầu, làm mấy chuyện đó thì ích lợi quái gì? Trên đời này vốn dĩ có những kẻ thực sự hết thuốc chữa. Nhưng nếu bạn thực sự tin vào luân hồi, vậy thì bạn còn cần lo lắng cho kiếp sau của mình nữa kìa. Có thể nói bài học tiên quyết xuyên suốt cuộc đời mà một Vertex cung 4 nhất định phải học cho được là bài học về tâm từ. Và đó là lý do mà mọi thứ nợ nần quá khứ của họ trong kiếp sống hiện tại đều cần được trả lại cùng với tình thương. Nếu tình thương của bạn là có điều kiện và chỉ dành cho người xứng đáng. Vậy bạn định sẽ làm gì với chủ nợ đáng ghét của bạn khi bạn buộc phải gặp lại họ ở kiếp sau để trả tiếp món nợ thân tình mà không thể nảy sinh với họ lấy 1 tý xíu tình thương nào? Ít nhất, tôi tin rằng con người không cần có năng lực siêu phàm nào hỗ trợ mà chỉ dựa vào trái tim mách bảo cũng có thể tự biết mình và 1 ai đó có duyên hay còn duyên với nhau hay không. Tuy rằng, đa số mọi người hoàn toàn không biết phải ứng xử với mối duyên ấy như thế nào cho phải.

Và trong mọi trường hợp, đừng bao giờ quên 1 chân lý là uốn cây từ thủa còn non. Món nợ ở cung 4, không phải là câu chuyện đùa mà bạn tuỳ tiện giải quyết thế nào cũng được.



Vertex, Duyên và Nợ, P1

1 nhận xét: