Viết cho lớp nâng cao và chuyên đề.
Có 3 loại sức mạnh nội tại, một loại tạo nên sự sắc sảo, khôn ngoan, khuynh hướng tranh thủ mọi cơ hội để phấn đấu, vượt lên người khác, vượt lên chính mình, phương châm của cố là của được. Loại thứ 2 có tinh thần lực mạnh mẽ, sức chịu đựng các dạng sức ép, gánh nặng tâm lý cao ngất trời, họ nhẫn nhịn giỏi hơn người khác, quật cường hơn người khác, khó phát điên hơn người khác, khó suy sụp hơn người khác. Loại thứ 3 có trái tim vô cùng cường đại, và sinh lực tựa như suối nguồn, họ có thể cảm thông với người khác, đau nỗi đau của người khác, buồn nỗi buồn của người khác, họ biết làm niềm vui nhân đôi nỗi buồn sẻ nửa, họ không cảm thấy kiệt quệ tuyệt vọng cho dù những người sống quanh họ đang chìm xuống đáy cùng của tuyệt vọng và tất nhiên, thường vô thức muốn lôi kéo họ theo. Họ có thể thấu hiểu, cứu vớt, giúp đỡ hay cưu mang những người thất cơ lỡ vận, tất nhiên, về mặt tinh thần.
Người không có loại sức mạnh thứ nhất thường bối rối lơ mơ trước những vấn đề rất cụ thể như mặc cả, chào giá, tranh thủ lợi ích, tự tiếp thị bản thân, họ ngại xích mích va chạm, giằng co tranh chấp. Trừ phi thông minh khéo léo bẩm sinh, nếu không họ học hành sẽ rất vất vả, hành vi sẽ tương đối chậm chạp, vụng về. Và ngay cả khi thông minh khéo léo bẩm sinh thì những năng lực này cũng có khuynh hướng dậm chân tại chỗ không mở mang tiến triển thêm được. Tất nhiên khi không thông minh khéo léo bẩm sinh thì sẽ ngu hết thuốc chữa hay vụng thối vụng nát gì đó. Khi gặp khó khăn thì rụt vòi lại chịu đựng thay vì đấu tranh, khắc phục. Dễ có trục trặc về giá trị quan.
Người không có loại sức mạnh thứ 2 thì sẽ có khuynh hướng trốn tránh các vấn đề của bản thân, họ gặp khó khăn khi nhận sai, tự kiểm điểm hay xin lỗi, họ phải vay mượn các giải pháp bên ngoài để khỏa lấp, che đậy, tạm quên các tổn thương bên trong. Họ thường phóng chiếu yêu ghét của mình lên những đối tượng có ưu điểm, khuyết điểm giống họ một cách vô thức. Họ có khuynh hướng tái phạm đi tái phạm lại một sai lầm. Dễ sa sút, suy sụp khi vấp ngã hay thất bại. Thường đổ lỗi, trút giận hoặc lảng tránh vấn đề khi gặp chỉ trích, phê phán. Dễ có trục trặc trong thế giới quan.
Người không có loại sức mạnh thứ 3 thì không có kiên nhẫn, dễ kiệt sức, thường bị rút cạn khi ở cạnh những người tiêu cực hay suy sụp, cho nên họ có khuynh hướng trốn ngay không nói nhiều khi nhìn thấy một mảnh đời bất hạnh, chưa nói tới thứ xa xỉ hơn là từ ái, bao dung với nỗi đau khổ hay nhẹ nhàng hơn là đáp ứng chút mong đợi của người khác. Họ có thể hiểu hoàn cảnh của người khác nếu họ đủ từng trải nhưng rất hiếm khi đồng tình. Họ không đủ sinh lực, nhiệt tâm, nhiệt tình để hành xử theo lối tận tụy, hy sinh, dâng hiến. Họ ghét những màn thăm dò, đoán ý, chiều lòng, cho đến kể khổ, làm nũng, ỷ lại, mè nheo. Thường thì họ cũng hơi ngán trẻ con, trừ lúc chúng nó ngoan và không thấy mình có nhiều cái gọi là bản năng làm mẹ trong truyền thuyết. Nói chung, họ gặp khó khăn khi phải khắc phục, điều chỉnh, sửa chữa thái độ và cách tương tác trong các mối quan hệ quan trọng. Thường sẽ chạy lấy người khi người khác cần sự khích lệ, an ủi, nâng đỡ tinh thần của họ nhất. Dễ có trục trặc trong nhân sinh quan.
Tin tốt là, con người sau khi sinh ra và lớn lên, ít nhất sẽ tích lũy được cho mình 2 loại sức mạnh, một số bẩm sinh đã có cả 3 loại, ví dụ như Đức Phật. Tin xấu là, rất có thể 2 loại sức mạnh đã tích tụ được kia ở một người có một loại hơi bị yếu, ở một số trường hợp, cả 2 loại đều hơi bị yếu. Nhưng thôi thì, méo mó có hơn không.
Tôi gọi 3 dạng sức mạnh nội tại này là 3 năng lượng gốc, tuy nhiên đây là định nghĩa riêng, xin đừng nhầm lẫn cách gọi này với định nghĩa năng lượng gốc của các tông phái thiền năng lượng và khí công.
Năng lượng gốc của một người khi đã có mặt thì có thể bồi dưỡng, tăng cường thêm bằng cách thường xuyên cố gắng sử dụng, không lười nhác bỏ bê. Ngược lại việc từ bỏ nỗ lực phát triển năng lượng gốc của mình và đặt gánh nặng lên người khác sẽ khiến sức mạnh tự thân thui chột. Theo dòng chảy của vận khí, trong đời một người vẫn sẽ có cơ hội để sử dụng cả 3 dạng năng lượng kể trên, tuy nhiên, loại năng lượng vốn không có trong hệ thống năng lượng gốc kia chỉ có thể vận dụng, bồi dưỡng, phát huy được trong thời khoảng vận trình có nó. Đặc điểm của nó là đột ngột xuất hiện như thể một bước ngoặt về nhận thức, sau đó cũng đột ngột biến mất không báo trước tiếng nào.
Loại năng lượng đầu tiên được bồi dưỡng bằng cách sống trong đời sống.
Loại năng lượng thứ 2 được bồi dưỡng nhờ thiền quán.
Loại năng lượng thứ ba được bồi dưỡng nhờ thiền định.
Chỉ có loại năng lượng đầu tiên giúp trả lời câu hỏi làm gì để không chết đói. Hai loại sau chủ yếu phụ trách trả lời câu hỏi làm thế nào để thoát khổ.
Tóm lại, muốn hạnh phúc cũng được, muốn thoát khổ cũng thế. Cứ sống được đã rồi lại tính.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét