Thứ Hai, 11 tháng 3, 2013

Cung Sóc và Lược sử Chiêm Tinh



Khi mặt trời mọc, ánh sáng mạnh mẽ của nó sẽ làm tất cả ánh sáng của trăng sao mờ nhạt đi, và do hiệu ứng quang học này, vào ban ngày ta sẽ không nhìn thấy mặt trăng và các vì sao nữa mặc dù chúng có thể vẫn ở ngay trên đầu. Sóc là thời điểm mặt trăng ở khu vực nằm giữa mặt trời và trái đất, ngày có sóc, hay còn gọi là ngày trăng non là ngày trăng mọc lên và lặn xuống cùng mặt trời, tức là mặt trăng luôn ở nửa đón sáng của trái đất, do đó ta có đêm không trăng, ngoài ra, còn 1 lý do nữa là khi đó, phần bề mặt của mặt trăng hướng về trái đất không nhận được ánh sáng từ mặt trời. Tôi không nói là khi đó trái đất, mặt trăng và mặt trời thẳng hàng, vì nếu sự kiện đó xảy ra thật thì ta sẽ có 1 hiện tượng khác là nhật thực. Tôi sẽ quay lại với đề tài này sau, khi viết về La Hầu và Kế Đô.

Ở hình minh họa dưới, Earth là trái đất, phần phơi sáng là ban ngày, có cả mặt trời (the Sun) và New Moon (Sóc), tức là đêm không có trăng. Phần khuất sáng là ban đêm, khi Full Moon (trăng tròn) thì toàn bộ bề mặt hướng về trái đất của mặt trăng đều nhận được ánh sáng của mặt trời.


Khi lấy đường hoàng đạo, hay đường đi của mặt trời làm chuẩn, người xưa đã phát hiện 12 chòm sao có hình dáng và độ sáng ổn định phân bố dọc theo đường hoàng đạo này. Nếu tưởng tượng đường hoàng đạo như 1 hình tròn 360 độ, chiêm tinh học Phương Tây đặt giả thuyết lý tưởng bằng cách lấy mốc xuân phân của 1 năm làm điểm bắt đầu, chia đường hoàng đạo thành 12 phần bằng nhau mỗi phần 30 độ, theo chiều ngược kim đồng hồ, lần lượt 12 cung hoàng đạo là:

Dương Cưu (Aries) ------Kim Ngưu (Taurus) --------Song Tử (Gemini) 
Cự Giải (Cancer) -------------Sư Tử (Leo)---------Xử Nữ (Virgo)
Thiên Bình (Libra)--------------Bò Cạp (Scorpio)--------Nhân Mã (Sagittarius)
Ma Kết (Capricorn)---------Bảo Bình (Aquarius)----------Song Ngư (Pisces)


Đã từng có thời (độ 2000 năm trước) điểm xuân phân đích thực trùng với điểm bắt đầu của chòm sao Aries có thật trên bầu trời, nhưng 12 chòm sao mỗi năm lại dịch chuyển đi 1 chút so với mốc xuân phân trên trái đất. Từ đó, chiêm tinh học đã thể hiện rõ sự phân hóa. Trong khi chiêm tinh Ấn Độ vẫn trung thành với các chòm sao thật trên bầu trời thì chiêm tinh Tây Phương lại trung thành với lịch tiết trên mặt đất. Hiện nay, 2 hệ thống đã lệch nhau khoảng xấp xỉ 1 cung 30 độ. Một mặt trời Bò Cạp trên hệ thống này lại trở thành mặt trời Nhân Mã trên hệ thống kia trong 99% trường hợp.

Chiêm tinh Ấn lấy các chòm sao có thật làm tiêu chuẩn, đã bổ sung 1 hệ thống phụ bằng cách chia nhỏ hơn nữa 12 cung hoàng đạo thành 27 cung, còn gọi là 27 chòm sao, nhấn mạnh tác dụng chiếu mệnh của các hằng tinh (fixed stars), nói chung đi theo thuyết thiên mệnh. Khi du nhập Trung Hoa, người Hoa đã thêm chòm sao Ngưu vốn không cố định vào hệ thống 27 chòm sao này, thành 28 chòm, gọi là nhị thập bát tú. Có lẽ để chia 4 phương Thanh Long, Bạch Hổ, Huyền Vũ, Chu Tước cho nó cân, mỗi góc 7 chú, ngoài ra không có âm mưu thâm độc nào khác. Bài học cho chúng ta ở đây là, tinh là sao, còn tú là chòm sao, hết chuyện.

Ngược lại, chiêm tinh Tây phương nhấn mạnh các hành tinh trong thái dương hệ (planets) và các nguồn sáng (luminaries) tức mặt trời và mặt trăng. Đó là những chỉ dấu cho cá tính, nhân cách, cảm xúc, tư duy, thẩm mỹ, hành động, niềm tin, óc thực tế, khao khát tự do, óc mơ mộng... Những chỉ dấu cho cá nhân này được nhuộm màu lại theo vị trí của nó trên đường Hoàng Đạo, và tọa độ Hoàng Đạo này, nói là thuộc cung này cung kia trong 12 cung Hoàng Đạo, thực chất hoàn toàn xác định theo mốc xuân phân, tức là vị trí tương quan giữa mặt trời và trái đất. Cũng tức là nhấn mạnh chu kì của các hành tinh đối ứng với lịch tiết của mặt đất. Nhấn mạnh vào đặc tính của cá nhân và nhịp sống cụ thể, sống động của hiện tại.

Cơ sở để xác định 27 chòm sao phân bố dọc theo đường Hoàng Đạo theo chiêm tinh Ấn Độ chính là mặt trăng. Mặt trăng đi hết 1 vòng quanh trái đất mất khoảng 27 ngày. Chiếu lên trời, ta có 27 cung của, ... thôi thì cứ tạm gọi là Nhị Thập Bát Tú đi, chính là 27 khu vực của mặt trăng trên bầu trời. Dựa vào việc mặt trăng đang ở cung nào của Nhị Thập Bát Tú, tròn hay khuyết, non hay già, ta đã có thể xác định gần đúng ngày tháng âm lịch. Mỗi cung trong Nhị Thập Bát Tú có biểu tượng là 1 con vật, tên gọi của 12 tháng âm lịch trong lịch pháp phương Đông, chính là tên của con vật đại diện cho cung mà mặt trăng cư ngụ vào ngày rằm tháng đó. Tuy nhiên, đó là nói lý thuyết của 2000 năm trước, khi mà điểm xuân phân còn trùng với đầu chòm sao Aries trên bầu trời. Nếu ngày nay mà các bác làm lịch lại ngỏng cổ nhìn Nhị Thập Bát Tú để quyết đâu là tháng Tý, đâu là Tháng Sửu thì tháng Giêng sẽ không còn là tháng ăn chơi nữa và bà con nhất định loạn óc, chả biết ngày nào là ngày ra đồng. Âm Dương Lịch hiện nay được tính toán theo mốc Đông Chí để xác định ngày sóc nào là ngày sóc đầu tiên của 1 năm mới, cũng là cách so tương quan mặt trời, trái đất để chọn ngày đầu năm, thực chất chỉ khác việc dùng điểm Xuân Phân làm mốc của Phương Tây một sợi tóc. Tóm lại, cũng đã ly khai hệ thống của Chiêm Tinh Ấn Độ từ lâu.


Quay lại với ngày sóc, tuy mặt trăng quay quanh trái đất chỉ mất có 27 ngày, nhưng để kết thúc 1 chu kì tròn khuyết của mặt trăng hay còn gọi là 1 tuần trăng. Mặt trăng cần khoảng 2 ngày rưỡi để gặp mặt trời lần nữa. Do đó một tháng âm lịch chính xác sẽ dài khoảng 29 ngày rưỡi. Cũng do đó, điểm sóc kế tiếp được tạo ra cách điểm sóc cũ khoảng 29 độ thường sẽ ở cung Hoàng Đạo kế tiếp tính theo chiều ngược kim đồng hồ. Theo đó, 1 năm thông thường sẽ có 12 lần Sóc hay trăng non, năm nhuận theo lịch mặt trăng sẽ có 13 lần Sóc, trong đó, có 2 lần Sóc rơi vào cùng một cung Hoàng Đạo, mỗi lần Sóc là mốc đánh dấu bắt đầu cho 1 tháng âm lịch mới. Ở đây, tử vi và chiêm tinh tìm được một tiếng nói chung thú vị. Một trong các dấu hiệu để xác định cá tính và tính tình một cá nhân của chiêm tinh là New Moon Sign, tôi dịch là Cung Sóc, thực chất là một dạng mô tả cá tính và tính tình một người theo tháng sinh âm lịch nếu nhìn nhận theo góc độ của Tử Vi.

Nhiều người tìm hiểu song song tử vi và chiêm tinh đã nhận xét mẫu người Mệnh Không Thân Kiếp trong tử vi, tương ứng với tháng 10 âm lịch rất giống với các mô tả về mẫu người Bò Cạp trong chiêm tinh Phương Tây. Thực ra không riêng gì mẫu người này, nếu đối chiếu tháng sinh âm lịch với các cung Hoàng Đạo, ta sẽ thấy nhiều điều thú vị, tôi không đi vào chi tiết mà chỉ điểm qua 1 vài nét gọi là sơ lược, có thể sẽ có một bài so sánh chi tiết hơn sau này:


Dương Cưu (Aries) ---------Tháng 3 (Văn Xương cư Di, Địa Không cư Tật)
Kim Ngưu (Taurus) ---------Tháng 4 (Văn Xương cư Nô, Địa Không cư Di)
Song Tử (Gemini) ---------Tháng 5 (Văn Xương cư Quan, Địa Không cư Nô)
Cự Giải (Cancer) ---------Tháng 6 (Văn Xương cư Điền, Địa Không cư Quan)
Sư Tử (Leo)---------Tháng 7 (Văn Xương cư Phúc, Địa Không cư Điền)
Xử Nữ (Virgo)---------Tháng 8 (Văn Xương cư Phụ Mẫu, Địa Không cư Phúc)
Thiên Bình (Libra)---------Tháng 9 (Văn Xương cư Mệnh, Địa Không cư Phụ Mẫu)
Bò Cạp (Scorpio)---------Tháng 10 (Văn Xương cư Bào, Địa Không cư Mệnh)
Nhân Mã (Sagittarius)---------Tháng 11 (Văn Xương cư Phối, Địa Không cư Bào)
Ma Kết (Capricorn)---------Tháng 12 (Văn Xương cư Tử Tức, Địa Không cư Phối)
Bảo Bình (Aquarius)---------Tháng 1 (Văn Xương cư Tài Bạch, Địa Không cư Tử Tức)
Song Ngư (Pisces)---------Tháng 2 (Văn Xương cư Tật, Địa Không cư Tài Bạch)


Tạm hiểu Địa Không là cảnh báo nguy hiểm, còn Văn Xương có nghĩa tốt lành. Tôi không nêu hết các trường hợp, nhưng các bạn có thể tự tham khảo các nguồn bài khác về 12 cung Hoàng Đạo và suy ngẫm cho rộng ra.

Tính tình của Dương Cưu thường nóng nảy, bộp chộp, thiếu kiềm chế. Người có Không Kiếp ở cung Tật Ách cũng thế.

Cự Giải thường vác rắc rối ở nhà riêng tới nơi làm việc, công tư không phân minh. Người có Địa Không cư Quan thì dễ ở cảnh sự nghiệp bấp bênh.

Slogan của Sư Tử là cuộc sống không thể thiếu tình yêu. Cao thủ Đài Cảng là bác Vương Đình Chi đã tuyên bố rất hùng hồn là văn tinh cư Phúc thì đời sống tình cảm rất chi là nhiều chương hồi trường đoạn. Còn Địa Không cư Điền? Sư Tử nổi tiếng là hào phóng và ưa phỉnh, cầm tiền không chặt tay. Nếu bạn hiểu Điền Sản chính là tư tưởng về các quyền sở hữu thì bạn đi đúng hướng rồi đấy.

Có câu phú "Kiếp Không tài phúc, sinh lai bần tiện" Ai cũng nghe đồn là Xử Nữ ki bo. Còn Song Ngư thì sao? Đấy là mẫu người dễ gặp thảm họa về tài chính do vô thiên lủng lý do, 2 lý do nổi bật là làm từ thiện quá tay và quên mất là muốn kiếm tiền thì phải ... tìm việc làm. Và Văn tinh ở cung tật thì thường cũng là vua sến.

Vậy Kiếp Không cư vào cung Phối thì hiểu sao đây, tham khảo bản chất Ma Kết, ta thấy đấy là mẫu người thường khô khan cứng nhắc, thảm họa hôn nhân có lẽ bắt đầu từ đấy. Còn Văn Xương cư Tử Tức, văn tinh ở cung Tử thì dễ có tâm lý hy sinh đời bố củng cố đời con, cũng là 1 nét đặc thù của Ma Kết.

Tất nhiên, dù là chiêm tinh hay tử vi thì để tổng kết lại 1 cách sâu sắc, không thể nào chỉ đơn giản như thế. Nhưng hãy cứ bắt đầu thử ra công tìm hiểu, chúng ta sẽ cùng nhau đi mỗi ngày 1 xa trên con đường không có lối về này!!! 

1 nhận xét:

  1. Chị Kiều Hương cho hỏi trường hợp Địa Không cư Mệnh của Bọ Cạp nên hiểu là thế nào?

    Còn khá nhiều các cung hoàng đạo khác chưa được chú giải, rất mong cô giáo Hương viết thêm!

    Trả lờiXóa