Có 1 ảo tưởng phổ biến trong giới trẻ rằng, họ không kém cỏi, họ chỉ không được bồi dưỡng đúng cách cho nên mới lưu lạc đến trình độ hiện tại. Cho nên 1 câu hỏi phổ biến khi xem chiêm tinh là, em có năng khiếu gì, em nên làm nghề gì để phát huy tốt nhất năng lực của mình?
Ok, sự thật là, mỗi người đều có thiên phú nhất định, không ít thì nhiều. Nhưng thiên phú ấy có mài ra mà ăn được hay không thì câu trả lời lại là, chưa chắc. Van Gogh là họa sĩ thiên tài, nhưng cả đời chỉ bán được mỗi 1 bức tranh và hầu như không tự kiếm nổi 1 đồng. Thi thoảng gia đình tôi được bạn tặng 1 tập thơ in bằng tiền túi tác giả, thơ hay chứ không phải không, tác giả thành đạt trong xã hội chứ không phải không. Chỉ là 2 vấn đề ấy chả liên quan nhau. Bố tôi rất có khiếu học ngoại ngữ, nhưng ông chỉ học nó vì nhu cầu bổ trợ cho công việc chính, và cái cần câu cơm của ông suốt 40 năm chưa bao giờ là ngoại ngữ cả.
Tạm ném bộ 3 nghe đồn đầy quyền lực của chiêm tinh là AC, sun và moon qua bên, đằng nào thì những thứ này cũng chỉ liên quan nhiều nhất tới tính cách, khuynh hướng sống. Tôi thường bắt đầu bằng cách so sánh cung vị của sun, progressed sun và part of fortune để xem người cần xem xét có tế bào tham vọng hay không. Nếu có, cần quan tâm nhất trục 4, 10, tiếp đó là 2, 8, rồi tới 5, 11, tiếp đó là 3, 9, cuối cùng là 6, 12. Nếu không có, cần quan tâm nhất là trục 2, 8, tiếp đó, 6, 12.
Một thiên phú thực sự phải được kí thác trên 1 trục, nếu mỹ mãn hơn, trên 1 thập tự. Ngay cả nhiều nhân vật thiên tài cũng không có sự phát triển hoàn mỹ trên 1 thập tự. Ví dụ, trục 5, 11 phát triển cân đối là quý cách, nhưng nếu 2, 8 không phát triển tương xứng thì chỉ là thanh quý, không phải phú quý. Tất nhiên, giả sử nếu chỉ có mỗi cung 5 phát triển người ta lại gọi là bệnh công chúa chứ không phú cũng chả quý.
Trục 2, 8 quyết định khả năng kiếm ăn của 1 người, lại có câu, có thực mới vực được đạo. Tất nhiên, nếu phúc nhà bạn mạnh, làm việc chỉ để thỏa mãn sở thích, không phải vì cơm áo thì không để ý trục này cũng được. Trục 6, 12 quyết định khả năng cân đối giữa nhu cầu thỏa mãn bản thân và khả năng cũng như ý thức trách nhiệm về việc đáp ứng thế giới bên ngoài. Đa phần khủng hoảng tâm lý trong xã hội hiện đại đều liên quan đến sự mất cân bằng của trục 6, 12. Ví dụ, bạn yêu âm nhạc, đấy là việc của bạn. Tiếng đàn của bạn đến chó cũng không thèm nghe, đấy không phải lỗi của thế giới.
Nói chung, đời không chỉ đơn giản là bạn yêu thích dạng công việc gì, sẵn sàng ngược đường ngược nắng vì những chuyện thế nào và bạn có năng khiếu về lĩnh vực nào, phát huy tốt nhất khi làm gì, kém nhất khi làm gì? Đời còn là bạn thường gặp may trong loại chuyện nào, xui xẻo trong loại chuyện nào. Tức là còn phụ thuộc vào cách bạn ăn ở.
Lại ví dụ, nếu bạn muốn làm công việc gì có ích, được phục vụ và thích vi vu, có không gian di chuyển rộng lớn, bạn chọn đi làm shipper, và bạn bị mù đường bẩm sinh.
Chắc không cần vận xui cho thêm phần long trọng nữa đâu nhỉ?
Vậy đấy, nhọ nhất là, đời còn là nơi mà 5 nhân tố nhiệt tình, khả năng, độ vô dụng, vận rủi, vận may có thể chả liên quan đến nhau hoặc có thể tổ hợp lại với nhau, nhưng lại thành những tổ hợp like shit. Và chính vì vậy nên con người mới khổ sở, hoang mang, bách nhục quấn thân, sau đó, đen làm sao nếu lỡ hỏi phải 1 chiêm tinh gia tự phong có cái miệng quạ đen, thường dùng 2 chữ kiếp sau hoặc 4 chữ có lẽ kiếp sau để trả lời cho mọi câu hỏi dạng khi nào thì tôi có thể blah, blah, blah... Và điều này bắt nguồn từ 1 sự thật khác, thâm tâm muốn vươn lên của con người thường dẫn dắt họ đặt ra những mục tiêu rất cao và rất xa so với năng lực hiện tại, còn bao giờ mới đạt được mục tiêu ấy thì nó không quan tâm.
Rất nhiều cuốn self help nổi tiếng thế giới là được viết cho những người đã đi làm, đã thích ứng với áp lực và guồng quay của xã hội, thạo việc, thạo đời, nhưng dù thế họ vẫn không tìm được hạnh phúc, họ cần ai đó phanh họ lại, nói với họ rằng còn có 1 cách sống khác, thi vị hơn, tốt đẹp hơn, nếu họ chịu dành nhiều thời gian hơn vào nuôi dưỡng đời sống tinh thần của mình. Và chỉ cần họ tự nhìn vào lòng, lắng nghe chính mình, tập nói không với những chuyện thiếu ý nghĩa, ít quan trọng, ngưng biến mình thành cỗ máy cứ bấm nút là phải chạy.
Khi đến Việt Nam ta, nó được nhiều học sinh sinh viên và những kẻ thất bại vì không chiều nổi thế giới mà nhiều khi cũng éo muốn chiều đón nhận nhiệt thành như 1 công cụ để đổ lỗi cho mọi thất bại họ đang gặp hoặc nuôi hy vọng cho 1 tương lai vàng son. Một người luôn cố gắng đáp ứng các đòi hỏi của thế giới cần được bảo cho biết rằng điều đó có thể là không cần thiết, họ bối rối khi nghe vậy và rụt rè làm thử. Nhưng 1 thiếu niên ngông nghênh vốn đếch bao giờ thèm quan tâm đến yêu cầu của người khác và cho rằng thế giới nên xoay quanh mình mới là phải phép khi nghe 1 đề xuất như vậy có thể vô cùng tự mãn mà thầm nhủ, đúng, mình vốn luôn làm như thế, xem ra mình chỉ còn đứng cách thành công không xa.
Nói chung, 2 đường thẳng song song đúng là luôn cách nhau không xa.
Đôi khi, kết quả đọc 1 lá số có thể là, em có khả năng về những chuyện này, chuyện này, nhưng em thiếu tính kiên trì khi làm nó, tốt nhất nên coi nó như nhân tố bổ trợ cho việc chính. Em yêu thích chuyện ấy, chuyện ấy, nhưng nói chung, ngu dốt cộng nhiệt tình bằng phá hoại là chính, chả làm nên công cán gì là chủ yếu, chỉ nên coi nó là thú vui, có động lực kiếm tiền nuôi thú vui thì công việc sẽ thấy có ý nghĩa hơn. Mặt em như mặt dơi, tai em như tai chuột thế này thì nên biết tiếc phúc, khôn ngoan chẳng lại với giời được đâu. Em có cái cằm phúc hậu như này thì số không nhọ mãi đâu, tiếp tục cày cuốc trả hết đống nợ đời là thoát rồi.
Và nói chung... Đời có quá nhiều giấc mơ ngày, gọi kiểu gì cũng không tỉnh lại nổi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét